Rễ nhàu là bộ phận được dùng làm thuốc nhiều hơn cả trong các bộ phận của cây nhàu. Nhàu thuộc họ cà phê, mọc nhiều ở những vùng ẩm thấp dọc theo bờ sông, suối, mương rạch. Dược liệu là phần rễ của cây nhàu, rửa sạch, thái lát mỏng, phơi hoặc sấy khô. Các bộ phận khác (quả, lá) trị bệnh đường tiêu hóa thường được dùng tươi.
Theo kinh nghiệm dân gian, quả nhàu non có thể thái nhỏ phơi khô, sao vàng nấu nước uống, có tác dụng như rễ nhàu giúp giảm đau, người bị hen suyễn bớt cơn hen, giảm căng thẳng, chữa đau nửa đầu, đau lưng, đau cơ, dưỡng tâm, an thần, thông kinh hoạt huyết. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, tinh chất rễ nhàu tăng cường cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu, thông thoáng các mạch máu, bền thành mạch, giảm huyết áp... Dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa nhức đầu, đau nửa đầu: Rễ nhàu 24g, muồng trâu 12g, cối xay 12g, rau má 12g, củ gấu (sao, tẩm) 8g. Sắc uống, chia làm 2 lần trong ngày, uống ấm. Dùng liền 7-10 ngày.
Lá nhàu trị bệnh đường tiêu hóa, quả nhàu non phơi khô làm thuốc.
Trị tăng huyết áp: Rễ nhàu khô: 30g, sắc uống như trà hàng ngày; Có thể sử dụng 2-3 tuần là một liệu trình. Tùy theo chỉ số huyết áp cơ thể (đã hạ), có thể giảm liều 8-12g/ngày.
Chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh: Rễ nhàu 24g, thảo quyết minh (sao thơm) 12g, rau má 8g, thổ phục linh 8g, vỏ bưởi 6g, sinh khương 3g. Sắc uống, chia làm 2 lần trong ngày, uống ấm. Dùng liền 7-10 ngày.
Trị đau nhức xương: Rễ nhàu khô, sao vàng 200g, ngâm với 1.000ml rượu 35 độ, sau 6-8 tuần có thể dùng được. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20ml trước bữa ăn.
Trị chấn thương, huyết ứ, bầm tím: Rễ nhàu 24g, rễ mía dò 10g; củ tầm sét 10g. Sắc uống trong ngày, uống trước bữa ăn. Có thể uống 7- 10 ngày liền đến hết các triệu chứng.
Kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, điều kinh: Quả nhàu chín ăn với muối.
Trị kiết lỵ, mệt mỏi, chóng mặt: Lá nhàu tươi 12g. Lá cỏ sữa 10g, sắc uống.
Chữa mụn nhọt: Lá nhàu tươi, giã nát, đắp lên vết thương.
DS. Mai Thu Thủy